Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang triển khai thành công kỹ thuật Chọc ối chẩn đoán trước sinh

|
查看数次:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

Từ tháng 02/2022, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang triển khai thành công kỹ thuật chọc ối điều trị đa ối và chọc ối làm xét nghiệm tế bào. Chọc ối đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán trước sinh thông qua nuôi cấy tế bào nước ối để nghiên cứu bộ nhiễm sắc thể của thai. Việc triển khai thành công kỹ thuật chọc ối tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đã khẳng định bước phát triển lớn về mặt chuyên môn trong lĩnh vực sản khoa; đồng thời giúp hoàn thiện toàn bộ quy trình sàng lọc trước sinh bao gồm tư vấn, siêu âm sàng lọc, xét nghiệm sàng lọc và chọc ối với kết quả chính xác gần như tuyệt đối để đánh giá về thai nhi và dị tật thai nhi có thể mắc phải từ khi tuổi thai còn nhỏ. Không những vậy, kỹ thuật chọc ối được triển khai thành công tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cũng mang lại lợi ích thiết thực cho thai phụ khi không phải chuyển tuyến Trung ương.

Bác sỹ CKII Dương Minh Thành - Trưởng Khoa Sản II và Bác sỹ CKII Lộc Quốc Phương - Phó Trưởng Khoa Sản II chọc ối cho thai phụ 19 tuần thai kỳ

Ngày 10/02/2022, thai phụ Nguyễn Thị H.Tr (21 tuổi, trú tại Xã Đồng Sơn, Thành phố Bắc Giang, Tỉnh Bắc Giang) tới Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang khám thai ở tuần 19 thai kỳ. Qua hình ảnh siêu âm nhận thấy thai nhi có u nang bạch huyết đùi trái. Sau khi hội chẩn, các bác sỹ Khoa Sản II đã chỉ định chọc ối làm xét nghiệm tế bào để đánh giá bất thường về nhiễm sắc thể ở thai nhi.

Chị Tr. cho biết: “Đây là lần mang thai đầu của tôi, khi bác sỹ thông báo thai nhi có u nang bạch huyết ở đùi trái, tôi đã rất lo lắng. Tuy nhiên được các bác sỹ Khoa Sản II tư vấn cụ thể về phương pháp chọc ối để chẩn đoán chính xác dị tật trước sinh, tôi đã quyết định thực hiện phương pháp này để kiểm tra xem con mình có bị bất thường về nhiễm sắc thể hay không. Và thật may là kết quả xét nghiệm cho thấy em bé không có bất thường về nhiễm sắc thể”.

Vậy phương pháp chọc ối là gì? Chọc ối có ảnh hưởng tới Mẹ và Bé không? Những lưu ý nào cho thai phụ khi thực hiện phương pháp này? Những vấn đề này sẽ được giải đáp bởi Bác sỹ CKII Dương Minh Thành - Trưởng Khoa Sản II - Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang.

1. Phương pháp chọc ối là gì?

Chọc ối là một thủ thuật y khoa được thực hiện để lấy mẫu dịch ối của thai. Dịch ối được lấy bằng cách sử dụng một kim nhỏ xuyên qua thành bụng và cơ tử cung vào buồng ối. Mẫu dịch ối sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra một số bệnh lý của thai, giúp đánh giá thai nhi có bị các bất thường về gen hoặc nhiễm sắc thể hay không. 

Tuy là thủ thuật xâm lấn nhưng chọc ối là một phương pháp khá an toàn vì vị trí của thai nhi và mũi kim được quan sát rất cẩn thận trong quá trình chọc ối dưới sự hướng dẫn của siêu âm.

Tại Việt Nam, chọc ối đã được thực hiện từ lâu trong điều trị những bệnh lý cần rút bớt nước ối và trong chẩn đoán trước sinh cho kết quả khả quan. Tỷ lệ phát hiện dị tật qua phương pháp này khá cao (tới 99,7%). 

2. Những trường hợp nào cần thực hiện chọc ối?

Không phải phụ nữ mang thai nào cũng cần chọc ối làm xét nghiệm chẩn đoán trước sinh. Bác sỹ sẽ chỉ định chọc ối ở những thai phụ có yếu tố nguy cơ sau:

- Những trường hợp siêu âm có các bất thường về hình thái thai nhi.

- Những trường hợp thai nhi tăng khoảng sáng sau gáy.

- Kết quả xét nghiệm sàng lọc Douple Test, Triple Test, Xét nghiệm sàng lọc không xâm lấn  (NIPT) có nguy cơ cao.

-  Thai phụ có tiền sử mang thai hoặc sinh con mắc bệnh di truyền.

- Những trường hợp mẹ cao tuổi > 35 tuổi

-  Thai phụ và/hoặc chồng có bất thường nhiễm sắc thể hoặc tiền sử gia đình có bệnh di truyền như tan máu bẩm sinh Thalassemia.

* Chống chỉ định chọc ối với những thai phụ sau:

- Thai phụ bị béo phì.

- Thai phụ có u xơ tử cung to nằm trên đường đi của kim chọc ối.

- Bàng quang, hay ruột non nằm chèn vào phía trước tử cung trong trường hợp tử cung đổ sau.

- Quan sát buồng ối khó khăn trong những trường hợp thiểu ối.

3. Chọc ối được thực hiện ở thời điểm nào?

Khi siêu âm phát hiện bất thường hình thái của thai, bác sỹ sẽ có chỉ định chọc ối. Chọc ối thường được tiến hành khi tuổi thai từ 16 tuần trở lên (thường từ 16 - 20 tuần và lý tưởng nhất từ 17 - 18 tuần) vì từ 16 tuần trở đi nước ối đã được sản sinh vừa đủ để khi bác sỹ hút lượng nước ối cần thiết không ảnh hưởng tới thai nhi; mặt khác tế bào trên da của em bé bong ra trong khoang ối ở thời điểm này cũng đủ để thực hiện các xét nghiệm. Do vậy, chọc ối từ 16 - 20 tuần tỷ lệ tai biến thấp và thai còn nhỏ nên việc đình chỉ thai ít gặp khó khăn nếu có bất thường. 

Một số trường hợp có thể chọc ối muộn hơn sau 20 tuần thai kỳ nhưng hạn chế vì khi đó thai to sẽ gây khó khăn cho việc chọc ối và tuổi thai lớn sẽ gặp nhiều biến chứng khi đình chỉ thai nếu thai mắc bệnh lý di truyền. Chọc ối sớm trước 13 tuần không được khuyến cáo thực hiện vì làm tăng nguy cơ sảy thai và dị tật thai. 

4. Chọc ối có đau không ?

Mặc dù bị lấy đi một lượng nước ối (trung bình là 15 ml, có thể lấy đến 20 - 30 ml tùy theo yêu cầu) nhưng cơ thể thai phụ sẽ ngay lập tức tái tạo lại lượng nước ối được lấy ra và thai nhi sẽ không bị tình trạng thiếu ối sau khi thực hiện xét nghiệm. Chọc ối là một thủ thuật khá nhẹ nhàng và hầu hết các thai phụ đều cảm thấy chọc ối không gây nhiều đau đớn.

 

Nước ối được hút ra để xét nghiệm sàng lọc trước sinh

5. Cần chuẩn bị gì trước khi chọc ối?

* Đối với bác sỹ: Giải thích cụ thể và cung cấp đầy đủ thông tin cho thai phụ cùng người thân về phương pháp chọc ối (ý nghĩa của chọc ối, quá trình thực hiện, những rủi ro có thể xảy ra…) trước khi ký các giấy tờ cần thiết đồng ý chọc ối.

* Đối với thai phụ: Chế độ ăn uống bình thường và tiểu sạch trước khi chọc ối. 

6. Những lưu ý sau khi chọc ối?

Sau chọc ối thai phụ cần phải nghỉ ngơi tại giường trong vòng 24 giờ, hạn chế vận động mạnh. 

Nếu bị sốt hoặc xuất hiện các dấu hiệu bất thường như ra máu hoặc ra nước âm đạo, xuất hiện cơn co tử cung thì phải thông báo bác sỹ khám ngay để được xử trí kịp thời.

Kết quả chọc ối sẽ có sau 01 - 02 tuần. Các xử trí tiếp theo sẽ được hội chẩn tùy vào kết quả xét nghiệm dịch ối. 

 

Ngoài phương pháp chọc ối xâm lấn, tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cũng thực hiện những xét nghiệm chẩn đoán trước sinh với độ chính xác cao có thể thực hiện từ tuần thai thứ 09 trở đi như NIPT, Douple Test, Triple Test để xét nghiệm sàng lọc dị tật thai nhi giúp bác sỹ xác định nguy cơ thai nhi mắc các hội chứng bao gồm: Hội chứng Down (thừa NST 21), Hội chứng Trisomy 18 (hay còn gọi Hội chứng Edward - thừa NST 18), Hội chứng Trisomy 13 (hay còn gọi Hội chứng Patau - thừa NST 13); Dị tật ống thần kinh

Với các gói xét nghiệm sàng lọc trước sinh tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, mẹ bầu có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng dịch vụ với kết quả nhanh, chính xác và hiệu quả vượt trội. 

Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang - Điểm đến tin cậy của các Mẹ bầu!

 

Hiền Chúc  - Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY NHÂN QUYỀN THẾ GIỚI (10/12/1948 - 10/12/2024) Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến quyền con người của mỗi người dân Việt Nam....

User Online:40267

Total visited: 32167801