Bệnh bạch hầu và những điều cần biết

|
查看数次:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

Bệnh bạch hầu và những điều cần biết

Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh rất dễ dàng lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp. Những triệu chứng của bệnh dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường.

1. Bệnh bạch hầu là bệnh gì?

Bạch hầu là 1 bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

2. Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu

Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae là nguyên nhân gây ra bệnh bạch hầu. Bệnh rất dễ dàng lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp. Hoặc lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Kể cả khi người bệnh không biểu hiện triệu chứng của bệnh thì họ vẫn có khả năng lây truyền vi khuẩn cho người khác sau khoảng 6 tuần, kể từ khi bắt đầu nhiễm khuẩn.

Vi khuẩn bạch hầu thường khu trú và làm tổn thương đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh), gây tử vong do tắc đường thở và viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%cao hơn ở trẻ nhỏ. Vi khuẩn bạch hầu sống lâu ở giả mạc và họng của bệnh nhân. Trong điều kiện thiếu ánh sáng vi khuẩn sống tới 6 tháng và tồn tại lâu trên các đồ chơi của trẻ bị bạch hầu, áo choàng, vật dụng có dính chất bài tiết của người nhiễm bệnh…

Vi khuẩn bạch hầu thường ảnh hưởng nhiều nhất đến mũi và họng, thể thường gặp gồm bạch hầu họng (70%), bạch hầu thanh quản (20-30%), bạch hầu mũi (4%), bạch hầu mắt (3-8%), bạch hầu da,...

Những người sau đây cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu cao hơn nếu:

● Không được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch

● Đi du lịch đến một đất nước không tiêm chủng vắc-xin bạch hầu

● Bị các rối loạn miễn dịch, ví dụ như bị AIDS

● Sống trong điều kiện môi trường không vệ sinh hoặc quá đông đúc, chật hẹp.

3. Dấu hiệu nhận biết bạch hầu

Triệu chứng của bệnh bạch hầu thường sẽ xuất hiện trong vòng 2-5 ngày sau khi bị nhiễm vi khuẩn. Một số người sẽ không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào trong khi một số người khác sẽ xuất hiện các triệu chứng nhẹ và thường bị nhầm là cảm lạnh thông thường.

Triệu chứng dễ nhận thấy và phổ biến nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm:

● Sốt

● Ớn lạnh

● Sưng các tuyến ở cổ

● Ho ông ổng

● Viêm họng, sưng họng

● Da xanh tái

● Chảy nước dãi

● Có cảm giác lo lắng, sợ hãi.

 

Triệu chứng dễ nhận thấy nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan

Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể sẽ xuất hiện thêm trong quá trình bệnh tiến triển, bao gồm: Khó thở hoặc khó nuốt; Thay đổi thị lực; Nói lắp; Các dấu hiệu sốc, ví dụ như da tái và lạnh, vã mồ hôi và tim đập nhanh.

4. Phòng bệnh bạch hầu như thế nào?

Thứ nhất, cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu. Hiện nay trong Chương trình TCMR, tất cả trẻ em dưới 12 tháng tuổi sẽ được tiêm đủ 3 mũi vắc xin phối hợp 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm phổi, màng não do vi khuẩn Hib (Haemophilus influenzae type b) lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Đối với trẻ từ  4-7 tuổi, 9-15 tuổi cần tiêm nhắc lại mũi vắc xin có thành phần bạch hầu vì khả năng bảo vệ của vắc-xin bạch hầu lúc này đã suy giảm. Việc trì hoãn tiêm chủng vì bất cứ lý do gì sẽ khiến cho trẻ có nguy cơ mắc bệnh. 

Thứ hai, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Thứ ba, đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Thứ tư, khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Cuối cùng, người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY NHÂN QUYỀN THẾ GIỚI (10/12/1948 - 10/12/2024) Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến quyền con người của mỗi người dân Việt Nam....

User Online:38216

Total visited: 32177878