HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG CHĂM SÓC SỨC KHỎE TÂM THẦN CHO BỆNH NHÂN TÂM THẦN PHÂN LIỆT TẠI TRUNG TÂM CHĂM SÓC VÀ NUÔI DƯỠNG NGƯỜI TÂM THẦN HÀ NỘI
Công tác xã hội là ngành học thuật và hoạt động chuyên môn nhằm trợ giúp các cá nhân, nhóm, cộng đồng phục hồi hay tăng cường chức năng xã hội góp phần đảm bảo nền an sinh xã hội. Thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ con người, tăng năng lực và giải phóng cho người dân nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và hệ thống xã hội, Công tác xã hội tương tác vào những điểm giữa con người với môi trường của họ. Nhân quyền và Công bằng xã hội là các nguyên tắc căn bản của nghề.
Trên thế giới đầu thế kỷ XIX nghề công tác xã hội được hình thành và được coi là một nghề và thực sự phát triển chuyên nghiệp, bền vững từ thế kỷ XX. Ở Việt Nam, một số chức năng của công tác xã hội hỗ trợ cá nhân, gia đình và cộng đồng đã được thực hiện nhưng chủ yếu trong vai trò là các hoạt động nhân đạo, từ thiện và vận động xã hội, sự giúp đỡ của hàng xóm láng giềng và những người tình nguyện như các cộng tác viên cơ sở dưới sự quản lý của các cơ quan đoàn thể. Những mô hình dịch vụ công tác xã hội và dịch vụ xã hội chuyên nghiệp được cung cấp tại trung tâm và cộng đồng còn hạn chế. Đội ngũ những người tham gia vào các hoạt động xã hội và vận động xã hội cũng chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu về công tác xã hội và các kiến thức liên quan. Khuôn khổ chính sách pháp luật cho nghề công tác xã hội còn rất thiếu.Nguồn lực Nhà nước quan tâm, đầu tư cho công tác này cũng còn khiêm tốn.
Trong những năm gần đây nghề công tác xã hội và hoạt động công tác xã hội tại Việt Nam mới thực sự được quan tâm. Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020 của Chính phủ do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, triển khai thực hiện sau 07 năm đã tạo ra nhiều kết quả khả quan bước đầu trong xây dựng chính sách, củng cố đội ngũ và mạng lưới, xây dựng giáo trình, tăng cường truyền thông cũng như hợp tác quốc tế. Theo đó, để tạo khuôn khổ pháp lý, hàng loạt các văn bản pháp quy đã được ban hành hướng dẫn thực hiện.
Trong các lĩnh vực công tác xã hội quan tâm thì lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người bệnh tâm thần phân liệt là một trong những lĩnh vực đặc biệt vất vả, khó khăn gặp nhiều trở ngại nhất. Theo ước tính nước ta hiện tại có số lượng người mắc bệnh tâm thần và các bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần chiếm tỷ lệ trên 14% dân số, nếu như vậy toàn quốc sẽ có khoảng 15 triệu người tâm thần và mắc các bệnh lý về tâm thần cần trợ giúp. Đối với Thành phố Hà Nội, hiện nay có khoảng gần 8000 người đang mắc các thể bệnh tâm thần, nhưng công tác xã hội nhằm đến đối tượng này chưa thực sự được quan tâm triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Hà Nội, với 03 Trung tâm thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, hiện đang thực hiện quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho gần 900 người tâm thần phân liệt, cùng với khoảng 200 người đang được chăm sóc dịch vụ tại các cơ sở tư, như vậy mới chỉ đáp ứng được khoảng 12% nhu cầu thực tế trên địa bàn Thành phố. Công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân tại các cơ sở đa phần thiên về thực hiện các chế độ hỗ trợ của nhà nước để duy trì chăm sóc, nuôi dưỡng, chưa có các phương pháp trợ giúp hiệu quả, phù hợp với thực tế để phục hồi chức năng cho bệnh nhân.
Trung tâm Chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội, được đổi tên, xác định lại chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy của Khu Điều dưỡng tâm thần Hà Nội trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội theo Quyết định số 7322/QĐ-UBND, ngày 31/12/2014 của UBND Thành phố Hà Nội. Hiện nay, đơn vị đang quản lý 579 bệnh nhân tâm thần phân liệt diện khuyết tật đặc biệt nặng (534 bệnh nhân hưởng chế độ, 45 bệnh nhân dịch vụ tự nguyện). Nhận thấy tầm quan trọng của công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần, trong 03 năm trở lại đây đơn vị đã nghiên cứu vận dụng tiến hành triển khai đồng bộ các mô hình, giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng kết hợp với điều trị duy trì và hoạt động công tác xã hội để can thiệp, hỗ trợ phục hồi toàn diện cho người bệnh tâm thần phân liệt tại Trung tâm. Điển hình trong công tác xã hội đối với người bệnh tâm thần phân liệt được thể hiện qua các mô hình đang đem lại hiệu quả như sau:
Một số hình ảnh tổ chức trợ giúp cho người bệnh với các hoạt động
văn hóa văn nghệ, thể thao, trò chơi…:
Tổ chức Hội diễn văn nghệ “Thắp sáng niềm tin” cho bệnh nhân
Thứ nhất: Thực hiện mô hình trợ giúp nhóm phục hồi thể lực, trí lực cho người bệnh với nhiều hoạt động đa dạng thu hút nhiều bệnh nhân tham gia. Từ việc sàng lọc, phân loại bệnh nhân, xác định đối tượng nhân viên công tác xã hội tiến hành các hoạt động trợ giúp phù hợp. Để hoạt động rèn luyện thể lực thành hoạt động thường xuyên, nhân viên công tác xã hội lựa chọn bài tập thể dục phù hợp với sức khỏe bệnh nhân, do số lượng bệnh nhân đông, quản lý ở 10 tổ riêng biệt nên việc tổ chức hướng dẫn tập luyện phải thực hiện cho từng nhóm bệnh nhân có khả năng tiếp thu nhanh, khi bệnh nhân thành thục lấy đó làm nòng cốt để hướng dẫn các bệnh nhân khác tại các tổ chăm sóc, sau 03 tháng triển khai đến nay toàn bộ bệnh nhân đã tập luyện thành thục bài tập thể dục và duy trì bài tập trở thành chế độ thể dục buổi sáng sau khi báo thức. Bên cạnh đó nhân viên công tác xã hội xây dựng kế hoạch duy trì thường xuyên hoạt động sinh hoạt nhóm khuyến khích bệnh nhân chia sẻ thông tin, sở thích cá nhân từ đó lựa chọn tổ chức các trò chơi trị liệu tâm lý, hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao; tổ chức hội thi văn nghệ, thi tìm hiểu kiến thức xã hội; thành lập thư viện sách thu hút hơn 100 bệnh nhân tham gia; lấy ngày Chủ nhật hàng tuần là ngày văn hóa thể thao khuyến khích bệnh nhân tham gia tự sáng tạo tổ chức các trò chơi cho các bệnh nhân khác… Mô hình hoạt động nhóm đã phát huy hiệu quả, thu hút bệnh nhân tham gia, tạo môi trường sống, sinh hoạt phong phú, đa dạng.
Thứ hai: Mô hình thí điểm quản lý trường hợp đối với bệnh nhân dịch vụ tư nguyện. Đầu năm 2017, đơn vị triển khai thực hiện thí điểm quản lý trường hợp đối với 50 bệnh nhân diện dịch vụ tự nguyện, thành lập tổ quản lý trường hợp gồm 15 cán bộ, nhân viên các phòng Nghiệp vụ công tác xã hội, phòng Y tế và 02 phòng chăm sóc bệnh nhân do 01 đồng chí Phó Giám đốc trực tiếp chỉ đạo. Tổ quản lý trường hợp có nhiệm vụ khai thác hồ sơ, khảo sát, xác định nhu cầu của gia đình bệnh nhân qua đó xây dựng kế hoạch quản lý đối với từng trường hợp. Thời gian thực hiện quản lý trường hợp duy trì theo thời gian ký kết hợp đồng dịch vụ đối với từng bệnh nhân, quá trình quản lý trường hợp được thực hiện thành 06 bước: Bước 1 nhân viên công tác xã hội khai thác thông tin bệnh nhân và xác định nhu cầu; Bước 2 nhân viên y tế khai thác tình trạng bệnh lý và tình hình sức khỏe bệnh nhân; Bước 3 nhân viên công tác xã hội xây dựng kế hoạch quản lý trường hợp trình lãnh đạo phê duyệt; Bước 4 nhân viên các phòng chăm sóc căn cứ kế hoạch triển khai thực hiện, nhân viên phòng Nghiệp vụ công tác xã hội phối hợp đánh giá 01 lần/tháng theo bảng rà soát và giám sát thực hiện kế hoạch hỗ trợ; Bước 5 kết thúc quản lý trường hợp tại Trung tâm nhân viên công tác xã hội – Phòng Nghiệp vụ công tác xã hội cùng nhân viên tham gia quản lý trường hợp của 02 phòng Chăm sóc bệnh nhân và phòng Y tế để cùng thống nhất đánh giá, lượng giá kết quả quá trình chăm sóc, hỗ trợ trường hợp, phản ánh nội dung vào Bảng lượng giá kết quả can thiệp; Bước 6 tư vấn, khuyến nghị gia đình bệnh nhân về việc tiếp tục kéo dài thời gian dịch vụ hoặc kết thúc dịch vụ trên cơ sở kết quả lượng giá can thiệp, trường hợp bệnh nhân đạt kết quả toàn diện bàn giao hướng dẫn gia đình chăm sóc tại nhà, nhân viên công tác xã hội duy trì 01 lần/ tháng liên hệ với gia đình cập nhật thông tin tình hình bệnh nhân, khi cần thiết sẵn sàng trợ giúp đưa bệnh nhân trở lại Trung tâm. Mô hình quản lý trường hợp mặc dù là thí điểm nhưng đã đem lại hiệu quả tích cực, được gia đình bệnh nhân đánh giá cao. Các trường hợp bệnh nhân tự nguyện khi tham gia được chăm sóc toàn diện, cơ bản hồi phục về sức khỏe, thể trạng; tự chủ trong sinh hoạt cá nhân, nhiều bệnh nhân bỏ được thuốc lá, biết tự đánh răng, rửa mặt; nhận thức được hành vi và tham gia tích cực các hoạt động văn hóa, thể thao… Dự kiến năm 2018 đơn vị sàng lọc và tổ chức quản lý trường hợp đối với các bệnh nhân hưởng chế độ và mở rộng mô hình dịch vụ quản lý trường hợp cho bệnh nhân tâm thần tại gia đình.
Hoạt động dạy nghề vàng mã cho bệnh nhân
Thứ ba: Mô hình tạo việc làm và lao động trị liệu. Tháng 3/2017, đơn vị triển khai tổ chức thí điểm tạo việc làm cho bệnh nhân, sau khi sàng lọc sức khỏe bệnh nhân lựa chọn 20 bệnh nhân hướng dẫn nghề làm vàng mã. Sau khi thành thục tay nghề đơn vị tổ chức nhân rộng bằng phương pháp lấy bệnh nhân hướng dẫn bệnh nhân, đến nay đã thu hút được hơn 200 bệnh nhân tham gia thường xuyên và đạt được mức thu nhập bình quân 220.000đ/1 bệnh nhân/tháng, số tiền trên được đưa vào sổ căng tin để bệnh nhân sử dụng theo nhu cầu. Bên cạnh đó tổ chức cho 60 bệnh nhân tham gia trồng rau và chăn nuôi lợn, đơn vị bồi dưỡng bằng hiện vật tương đương 200.000đ/1 bệnh nhân/1 tháng. Mức thu nhập từ làm nghề và tổ chức lao động cho bệnh nhân không lớn nhưng là tiền đề để đơn vị nhân rộng tổ chức các hoạt động làm nghề thủ công khác, phù hợp với năng lực và sức khỏe bệnh nhân. Từ hoạt động lao động sản xuất đơn vị đã đáp ứng thừa về nhu cầu thực phẩm, rau xanh phục vụ bữa ăn bệnh nhân, nâng cao chất lượng đời sống sinh hoạt của toàn đơn vị.
Tổ chức cho bệnh nhân lao động tăng gia sản xuất tạo thu nhập:
Thứ tư: Thực hiện liệu pháp cắt, giảm và thay thế thuốc chuyên khoa tâm thần. Do bệnh nhân là đối tượng tâm thần phân liệt mạn tính nên việc duy trì thuốc điều trị chuyên khoa tâm thần là thường xuyên (buổi trưa và buổi tối). Trong quá trình điều trị, nhận thấy phần đa thuốc điều trị chuyên khoa là loại thuốc thế hệ cũ (Haldol, Aminazin, Tysercin, Gardenal, Seduxen…), bệnh nhân sử dụng lâu dài dẫn đến có nhiều tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe (dòn xương, ngoại tháp, béo phì, mệt mỏi ngại vận động, nhược cơ….). Trước thực trạng trên, từ tháng 7/2016 lãnh đạo đơn vị triển khai thực hiện các giải pháp cắt, giảm các loại thuốc thế hệ cũ và thay thế uống thuốc bằng biện pháp trị liệu và sử dụng các loại thuốc điều trị chuyên khoa mới ít tác dụng phụ. Sau hơn 1 năm thực hiện kết quả cắt không uống thuốc buổi trưa cho 408 bệnh nhân, giảm và thay thế các loại thuốc buổi tối cho 579 bệnh nhân từ sử dụng 22.000 viên/1 tháng xuống còn 7.000 viên/1 tháng. Giải pháp trên kết hợp với tổ chức cho bệnh nhân tham gia các hoạt động trị liệu, thể thao, văn hóa… đã nâng cao sức khỏe bệnh nhân, giảm các tác dụng phụ của thuốc, dần trả lại giấc ngủ sinh học đem lại tinh thần thoải mái, chủ động tăng cường vận động của bệnh nhân, đem lại cơ hội phục hồi các chức năng cho người bệnh.
Ngoài các mô hình, giải pháp nêu trên đơn vị kết hợp đẩy mạnh chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng bệnh nhân, quyết liệt trong công tác vệ sinh môi trường cùng với thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ cũng như nâng cao chất lượng khám và điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân đã tạo lên thành công trong công tác chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân tâm thần tại Trung tâm. Kết quả nêu trên cùng với cải cách các hoạt động hành chính đơn vị đã Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội công nhận là đơn vị điển hình – kiểu mẫu trong xây dựng môi trường làm việc "Văn minh – Chuyên nghiệp – Thân thiện".
Đ/c Phạm Quang Thịnh - Giám đốc Trung tâm (ngoài cùng từ trái qua) nhận khen thưởng của Sở Lao động TB & XH Hà Nội trong sơ kết 2 năm thực hiện Đề án xây dựng môi trường làm việc “Văn minh - Chuyên nghiệp - Thân thiện”
Bên cạnh những kết quả nêu trên, đơn vị nói riêng và các Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần nói chung đang gặp phải những khó khăn về cơ chế chính sách, nhân lực, trình độ chuyên môn cũng như điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh. Để thực hiện toàn diện và hiệu quả hơn nữa các hoạt động công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người bệnh tâm thần phân liệt đơn vị đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, UBND Thành phố Hà Nội đặc biệt là Cục Bảo trợ xã hội quan tâm đến việc ban hành các văn bản hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ công tác xã hội, nghiệp vụ về quản lý trường hợp đối với người bệnh tâm thần cũng như bồi dưỡng các kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho lực lượng cán bộ làm nhiệm vụ công tác xã hội tại các Trung tâm. Đồng thời để đẩy mạnh thực hiện đề án 1215 của Chính phủ về trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 – 2020, đề nghị tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng các mô hình trợ giúp, cũng như sớm thông qua, ban hành quy định về khung giá dịch vụ trợ giúp người tâm thần, làm cơ sở thực hiện cơ chế và mức thu dịch vụ trong lĩnh vực chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần.
Hiện nay, xuất phát từ nhu cầu rất lớn của xã hội về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người tâm thần phân liệt và các bệnh rối loạn tâm thần, thì mô hình công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội là rất hiệu quả cần được quan tâm nhân rộng triển khai thực hiện.
Phạm Quang Thịnh – Giám đốc Trung tâm
Tin hoạt động
Thống kê truy cập
Đang truy cập:37723
Số lượt truy cập: 32163002