F0 chữa tại nhà chuyển nặng cần làm gì khi không liên lạc được y tế phường?
Theo một lãnh đạo ngành y tế Hà Nội, theo quy định của Sở Y tế, với các F0 điều trị tại nhà, nếu có dấu hiệu diễn biến nặng cần cập nhật tình trạng ngay với trạm y tế phường thông qua đường dây nóng hoặc phần mềm quản lý F0 điều trị tại nhà.
(Dân trí) - F0 tự điều trị tại nhà khi xuất hiện dấu hiệu chuyển biến nặng cần làm gì để được cấp cứu kịp thời, nếu không liên lạc được với trạm y tế phường?
Theo một lãnh đạo ngành y tế Hà Nội, theo quy định của Sở Y tế, với các F0 điều trị tại nhà, nếu có dấu hiệu diễn biến nặng cần cập nhật tình trạng ngay với trạm y tế phường thông qua đường dây nóng hoặc phần mềm quản lý F0 điều trị tại nhà.
Các thông tin về tình trạng diễn biến nặng của F0 chỉ cần được cập nhật qua phần mềm thì tất cả các hệ thống điều phối của Sở Y tế sẽ thấy ngay lập tức và phát cảnh báo đỏ. Thông qua hệ thống phần mềm, cán bộ y tế sẽ kiểm tra bệnh viện nào gần nhất có khả năng điều trị F0 nặng và điều phối bệnh nhân lên đó.
Tuy nhiên, cũng theo vị này, trên thực tế, nhiều trạm y tế phường đang trong tình trạng quá tải khi nhân lực bị "mỏng dần" vì mắc Covid-19, trong khi số lượng F0 tăng nóng. Do đó, vẫn có tình trạng F0 khó liên lạc được với trạm y tế phường.
Một bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại nhà (Ảnh minh họa: Đỗ Linh).
Khi rơi vào tình trạng này, các F0 có thể liên lạc với các đầu mối có nhiệm vụ hỗ trợ F0 điều trị tại nhà khác như Tổng đài 1022, Tổ chăm sóc Covid-19 cộng đồng, Trạm y tế lưu động.
"Các F0 cũng có thể liên hệ với chủ tịch phường hay trung tâm y tế quận, huyện và họ sẽ phản hồi lại thông tin cho y tế phường", vị lãnh đạo này cho hay.
Vị lãnh đạo cũng nhấn mạnh rằng, khi người dân có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 cần thông tin đến trạm y tế phường để được xác nhận là F0, qua đó được quản lý và hỗ trợ điều trị, cũng như được xử lý kịp thời khi có dấu hiệu chuyển biến nặng.
Các cơ sở điều trị Covid-19 cũng có nhiệm vụ trực tiếp tiếp nhận các F0 trong tình trạng cấp cứu. Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành công văn 23401/SYT-NVY chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập triển khai các giải pháp giảm tử vong do Covid-19. Trong đó, Sở Y tế chỉ đạo mỗi cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 sẵn sàng điều trị 2 tầng để xử trí cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 chuyển độ. Việc tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch yêu cầu tất cả các bệnh viện không được từ chối, đảm bảo người bệnh được chuyển đến cấp cứu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất. Sau khi bệnh nhân ổn định, bệnh viện thực hiện khám, phân loại mức độ bệnh, đánh giá nguy cơ để phân luồng đến nơi điều trị phù hợp.
Những ngày vừa qua, số F0 tại Hà Nội đã tăng vọt. Đỉnh điểm tối 28/2, Sở Y tế Hà Nội công bố, Thủ đô ghi nhận 12.850 F0 chỉ trong 24 giờ.
Theo số liệu từ Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cập nhật đến 28/2, Hà Nội có 549.228 bệnh nhân điều trị tại nhà, 908 bệnh nhân đang điều trị tại khu cách ly, 6.311 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị, có 4.132 F0 ở mức độ trung bình, 1.018 ca nặng, nguy kịch. Trong số các ca nặng nguy kịch có 848 ca phải thở oxy mask, gọng kính; 26 ca phải thở oxy dòng cao HFNC; 48 ca thở máy không xâm lấn; 47 ca phải thở máy xâm lấn.
Tin hoạt động
Thống kê truy cập
Đang truy cập:39388
Số lượt truy cập: 32165127